Ngày Nhà giáo Việt Nam luôn là một ngày để lại ấn tượng rất sâu đậm trong lòng cả thầy và trò. Ngày này còn gợi nhớ rất nhiều câu chuyện đối với một người nào đó, những câu chuyện dở khóc dở cười.
Mẩu chuyện đầu tiên:
“ Hồi nhỏ, tôi từng là một học sinh… “không ai dạy nổi”. Tất cả các thầy cô giáo đã dạy tôi đều nhận xét như vậy với ba mẹ. Chuyển lớp năm lần bảy lượt, mẹ tôi khóc, ba thì bất lực thở dài.
Lên lớp 9, trường cũ không nhận, ba mẹ bất lực chuyển tôi qua một ngôi trường nhỏ ở huyện. Nhìn sơ qua học bạ, thầy hiệu trưởng quyết định xếp tôi vào lớp thầy Tiến, một thầy giáo dạy lớp tập hợp toàn học sinh cá biệt của trường. Ngày đầu tiên vào lớp, thầy tiến đến nhìn tôi gật gù rồi xếp tôi ngồi với một con nhóc tóc tém mặt mũi lanh lẹ. Nó khẽ hích vào vai tôi giành chỗ ngồi rộng hơn. Tôi đành chịu vậy, chưa bao giờ tôi đánh con gái cả.
Ở trường cũ, tôi khoái lắm cái trò vẽ bậy vào lưng áo bạn. Và mỗi lần như thế, tụi nó đều đi mách thầy cô, và tôi sẽ lại ngồi cả buổi nghe mắng rồi nhận hình phạt. Ở trường này cũng thế, chọc ghẹo là thú vui của tôi mà. Vậy mà hôm đó khi có đứa lên mách thầy, thầy chẳng phạt tôi mà chỉ bảo: “Lần sau em nhớ cẩn thận hơn”. Mấy hôm sau tôi lại vẽ bậy lên vài người nữa. Thầy vẫn bảo biết rồi và không phạt. Tôi đâm ra chán trò này rồi tự bỏ.
Hồi đó đi học xa, buổi trưa đứa nào cũng mang theo quà bánh. Thế là mỗi lần chuông tan học buổi sáng reo một cái, là tôi xô hết lũ bạn, chạy ngay ra ngoài. Tất cả những đứa nào đi qua đều bị tôi trấn lột hết bánh kẹo, đứa nào không nghe, tôi chọc cho phát khóc lên. Thầy biết thế, đến một ngày thầy gọi tôi lên văn phòng, lôi ra từ ngăn kéo túi bánh to đùng, nhét vào tay tôi rồi bảo “Em đói lắm hả? Ráng ăn hết chỗ này rồi chăm học nghe chưa?”. Chẳng biết sao một thằng nhóc cá biệt như tôi lúc đó lại biết xấu hổ. Tôi lí nhí nói với thầy “Lần sau em không thế nữa”. Thầy cười, xoa đầu và bảo tôi: “Em ngoan lắm.”
Lần đầu tiên tôi được người lớn khen ngoan. Về nhà tôi suy nghĩ mãi, hóa ra được khen ngoan lại vui đến thế. Chọc ghẹo bạn bè có vui mấy thì cuối cùng vẫn bị mắng, về nhà bị ba mẹ cho ăn đòn, bị viết bản kiểm điểm. Tôi chưa từng nghĩ có ngày mình sẽ được khen ngoan, cảm giác lạ lẫm và thổn thức rạo rực trong lòng. Những ngày sau đó, tôi thử làm từng việc tốt một, bớt ngỗ nghịch chọc ghẹo bạn bè. Những lần như thế, thầy đều cười và khen tôi dù là từ những câu chuyện nhỏ nhất.
Hóa ra dạy dỗ một đứa trẻ cá biệt bằng sự dịu dàng lại hiệu quả hơn bao giờ hết. Thầy đã thay đổi cả cuộc đời của một thằng nhóc ngỗ nghịch như tôi. Từ năm đó đến giờ thoắt cái đã 15 năm. Năm nay, tôi lại chuẩn bị hoa và bánh, đến thăm người thầy ấy nhân ngày nhà giáo Việt Nam.”
Mẩu chuyện số 2: Con ghét mẹ làm giáo viên!
Mùa thu là mùa của hoa sữa và cũng là mùa để những lứa học sinh bày tỏ lòng biết ơn của mình đến với thầy cô. Hẳn là trong lòng mỗi người đều có một vị giáo viên mà mình kính trọng. Và tôi cũng thế, nhưng người ấy lại gần gũi hơn, người giáo viên ấy cũng chính là mẹ tôi.
“ Ngày ấy, tôi là một đứa nhóc lớp bảy ngây dại, chẳng chín chắn về cả suy nghĩ lẫn hành động, cứ như vậy mà vô tâm rong chơi suốt những tháng ngày thơ ấu. Còn Mẹ tôi, Mẹ là giáo viên tại trường Trung Học Cơ Sở mà tôi đang theo học. Là con cô giáo, trong mắt chúng bạn, tôi là “kẻ không thể động đến”, là đứa được hưởng mọi ưu đãi trong ngôi trường cấp Hai vỏn vẹn ba trăm sáu mươi lăm học sinh ấy. Là con cô giáo, tôi nghiễm nhiên sẽ được cộp mác học sinh nghiêm túc trong mắt thầy cô, và ắt hẳn mọi lỗi lầm tôi gây ra đều cứ thế mà đến tai Mẹ ngay tức khắc.
Tôi rất thích viết nhật ký, cứ đem hết mọi niềm vui hay bực dọc, buồn phiền của một ngày dài mà trút vào trong nhật kí. Cứ như vậy, đến một ngày, tôi trở về nhà và viết vào trong cuốn sổ nhỏ ấy rằng: “Mình ghét có Mẹ làm giáo viên, cảm giác cứ như bị theo dõi 24/24 ấy!”. Viết ra những dòng đó, đến giờ tôi vẫn mãi hối hận biết bao, trách mình tại sao ngày xưa trẻ con đến như vậy? Tôi đã cứ ích kỷ cho rằng những cảm xúc, những suy nghĩ ấy của mình chẳng có gì sai. Và chẳng ngờ rằng có một ngày Mẹ tôi lại vô tình đọc được đoạn nhật ký đó…
Hôm đó, khi tôi trở về nhà, bữa cơm trưa chỉ có hai mẹ con, bữa cơm trưa đủ đầy và ngon lành được bày biện thật cẩn thận. Mẹ đơm cho tôi một thìa cơm, bát cơm trắng xốp, nóng hôi hổi. Mẹ im lặng, Mẹ không ăn, rồi bỗng Mẹ nói với tôi, một câu nói làm miếng cơm đang nuốt dở như nghẹn ứ ở cổ họng tôi, nhả chẳng được, mà nuốt cũng chẳng xong!
Mẹ hỏi tôi “Hà, con không thích có mẹ làm giáo viên sao?”
Trong khoảnh khắc, tôi đã chẳng nói được lời nào trước giọng hỏi đầy buồn bã, đau đớn và cà chua xót ấy của Mẹ. Rồi Mẹ khóc. Tôi cũng khóc theo. Tôi không hiểu, vì sao mình lại khóc? Phải chăng chỉ là do sợ bị Mẹ mắng? Hay chăng là bởi phần nào đó trong trái tim non nớt ngày ấy của tôi bỗng giật mình nhận ra bản thân đã sai đến thế nào khi chính mình lại làm cho Mẹ của mình phải rơi những giọt nước mắt đau đớn đến vậy?
Bữa ấy, Mẹ bỏ cơm, để đứa trẻ mười bốn tuổi chẳng lớn cũng chẳng nhỏ là tôi lại một mình với mâm cơm đầy ắp không người ăn… Tôi còn nhớ rất rõ, bát cơm ngày hôm ấy khó ăn đến thế nào, nó đắng, nó chát, nó đầy vị nước mắt của tôi. Một cảm giác chua xót xộc vào tận tim. Ngày hôm đó, một đứa trẻ không hiểu chuyện như tôi đã vừa khóc vừa hiểu ra biết bao nhiêu điều. Tôi đã chạnh lòng mà nghĩ đến Mẹ tôi đã nấu bữa cơm hôm ấy cho tôi trong niềm đau xót đến như thế nào. Mẹ đọc được những dòng nhật kí ấy của tôi, nhưng Mẹ vẫn chu toàn chuẩn bị cho tôi bữa cơm trưa như vậy để đợi tôi đi học về. Tôi bỗng nhận ra, có Mẹ làm cô giáo là một điều mà đáng lẽ tôi đã phải nên tự hào và biết ơn… Mẹ dạy tôi học tiếng Anh từ khi chúng bạn còn đang chơi đồ hàng, Mẹ là người bảo vệ tôi khỏi những đứa trẻ cá biệt ở trường học. Có Mẹ, các thầy cô trong trường ai cũng biết tôi, ai cũng quan tâm và chỉ dạy tôi tận tình. Tôi của bây giờ tự hỏi tôi của ngày ấy đã bất mãn vì điều gì cơ chứ?
Mẹ là mẹ của tôi và Mẹ cũng là một giáo viên nữa. Mẹ vừa chăm sóc, vừa dạy cho tôi nhiều điều. Ngày ấy, tôi đã chẳng có đủ can đảm để nói với Mẹ một lời xin lỗi. Những ngày tháng sau này, tôi chỉ biết cố gắng hết mình để làm một đứa con ngoan, hy vọng mẹ sẽ tha thứ cho mình.
Lúc ở nhà mẹ cũng là cô giáo, khi đến trường cô giáo như mẹ hiền.
Con luôn biết ơn vì được làm con gái của mẹ, con xin lỗi vì đã làm cô giáo đầu tiên trong cuộc đời của mình phải buồn lòng.
Chúc Mẹ 20-11 vui vẻ!”
Sắp đến 20/11, ngày bạn bày tỏ tấm lòng đến với những người đã dạy dỗ, dìu dắt bạn nên người. Đừng ngần ngại nói ra những lời cảm ơn chân thành nhất đến thầy cô giáo trong cuộc đời mình nhé.
Chúc tất cả các thầy cô và các bạn học sinh đón một ngày 20/11 thật ý nghĩa!